Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Ngày 24/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2125/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

13/01/2022 08:07    434

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm nâng cao chất lượng, trình độ sản xuất, năng suất lao động, sức cạnh tranh sản phẩm và tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP tỉnh; công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp hợp lý, hiện đại; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao tăng nhanh, nhất là các phân ngành chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp mới và công nghiệp môi trường, công nghiệp hỗ trợ; ngành khai khoáng, sản phẩm sơ chế, gia công giảm dần. Đến năm 2030, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Quảng Ngãi trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển hiện đại.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 45%; trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 40%;  tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 25%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp được duy trì ở mức 8-9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7-7,5%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên: 63% tổng số lao động toàn tỉnh; trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 30-32%.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp ưu tiên phát triển vào 03 nhóm ngành gồm: (1) Ngành/sản phẩm thế mạnh, hiện đang giữ vai trò chủ lực là lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, đóng tàu biển và ngành/sản phẩm mới ưu tiên phát triển là điện tử, thông tin-viễn thông, hóa dược, chế phẩm sinh học, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp môi trường, vật liệu mới và ngành điện, gồm: điện khí, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối,...), năng lượng thông minh.  (2) Nhóm, ngành sản phẩm công nghiệp duy trì phát triển và mở rộng hợp lý là ngành công nghiệp chế biến nông nông thủy sản, thực phẩm, đồ uống và  ngành dệt may, da giày. (3) Nhóm, ngành sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp lọc, hóa dầu; công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp dệt may, da giày; công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ; công nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong giai đoạn sau năm 2030, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, tin học và công nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, Đề án đề ra 05 nội dung và 08 nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp.

Về nội dung: (1) Điều chỉnh mô hình tăng trường công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sản xuất, sản phẩm sơ chế, gia công sang dựa trên năng suất, chất lượng có giá trị gia tăng cao. (2) Tái cơ cấu các ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên gồm: Đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu hợp lý các ngành/sản phẩm chủ lực, thế mạnh hiện có của tỉnh, trong đó đầu tư theo chiều sâu là chủ đạo. Đồng thời tập trung phát triển mới các ngành công nghiệp chế tạo và ngành công nghiệp công nghệ cao có giá trị gia tăng cao, qua đó nhằm tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo; tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Phát triển các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng (điện mặt trời, điện gió, điện khí, điện sinh khối, điện thủy triều, điện sử dụng rác thải, chất rắn thải đô thị,...). (3) Tái cơ cấu các ngành/sản phẩm công nghiệp duy trì phát triển và mở rộng hợp lý gồm: Phát triển ngành dệt may, da giày theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao (thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới; quần áo thời trang, giày cao cấp,...) dựa trên quy trình sản suất thông minh, tự động hóa nhằm nâng cao bước nhảy vọt về chất và lượng sản phẩm.  Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm và đồ uống theo chiều sâu, chế biến tinh và gắn kết với vùng nguyên liệu. (4) Hình thành, phát triển các ngành/sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chủ lực ở tỉnh theo hướng hiện đại, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, năng lực cạnh tranh sản phẩm; thúc đẩy hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo chuỗi giá trị. (5) Phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp và khu vực theo lợi thế.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: (1) Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cơ cấu lại ngành công nghiệp (2) Thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp (3) Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên (công nghiệp nền tảng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao,...) và công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp (4) Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp (5) Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng cơ cấu lại các ngành công nghiệp (6) Xây dựng năng lực hỗ trợ cơ cấu lại các ngành công nghiệp (7) Phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho phát triển công nghiệp (8) Phát triển thị trường, chủ động hội nhập sâu, rộng nền kinh tế thế giới./.

Xem chi tiết Đề án tại đây

TƯỜNG VI