Tình hình thực hiện và giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn thời gian đến
19/06/2023 06:33 223
Làng nghề, làng nghề CN - TTCN là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn
Tính đến tháng 12 năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 5.571 cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động có hiệu quả, với 7 nhóm ngành nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP. Trong đó: 107 doanh nghiệp, 33 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và 5.424 hộ gia đình với doanh thu hơn 964 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động, thu nhập bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng. Cùng với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn; phát triển nghề, làng nghề kéo theo sự phát triển của dịch vụ, thương mại, góp phần làm đa dạng hóa kinh tế nông thôn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân ở khu vực nông thôn gắn với duy trì, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, khu vực nông thôn được đầu tư mạnh mẽ, các làng nghề thuận tiện trong việc giao thương, các sản phẩm được phổ biến, có nhiều cơ hội phát triển. Trong đó, cùng với thực hiện các tiêu chí phát triển hạ tầng nông thôn về điện (tiêu chí số 4) và thương mại (tiêu chí số 7), Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương và địa phương trong việc thực hiện các chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, dạy nghề, chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. So với năm 2021, các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đã dần hoạt động ổn định, doanh thu có tăng tuy chưa cao. Nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn đã có sự cải tiến về mẫu mã, chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định được đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh như: Mạch nha, Mắm Đức Lợi, Bánh mè Huy Ny, Cá Cơm rim….…
Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã bước đầu ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo mối liên kết trong tiêu thụ nông sản và các sản phẩm được chế biến từ nông sản. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất trong các ngành nghề nông thôn chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, kỹ năng nghề cao; thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường nên chủ yếu là được tiêu thụ trên địa bàn trong tỉnh...
Để đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn thời gian đến, Sở Công Thương đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện, cụ thể:
1. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và xây dựng cơ chế huy động mọi nguồn vốn của các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn... để phát triển làng nghề, làng nghề CN-TTCN.
2. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa, xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực để tập trung đào tạo nghề theo nhiều hình thức. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, nhất là các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, sản xuất gốm, xây dựng chương trình giảng dạy, viết sách để tránh thất truyền nghề.
3. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khuyến khích hình thành các hợp tác xã chuyên doanh; các tổ hợp tác, các chi hội tại cơ sở nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ, đồng thời tích cực tạo mối liên hệ với các làng nghề và doanh nghiệp trên cả nước.
4. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh nhằm tạo được những thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đặc biệt thương hiệu gắn liền với văn hóa và lịch sử Quảng Ngãi.