CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2023 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024
Trên cơ sở Kế hoạch chung của tỉnh, UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, hiện nay, tình hình lưu thông hàng hóa các mặt hàng thiết yếu tại thị trường tỉnh Quảng Ngãi cơ bản ổn định, giá cả bình ổn, lượng hàng hóa phong phú, đa dạng đảm bảo cung ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân; các kênh phân phối đa dạng bao gồm: bán hàng trực tuyến như Zalo, Facebook,... Hệ thống các chuỗi bán lẻ Co.opMart, WinMart, WinMart+, Chi nhánh Công ty Cổ phần EB Hải Phòng tại Quảng Ngãi (Siêu thị Go!), các chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng Việt, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… Sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhìn chung vẫn ổn định tương đương sức mua cùng kỳ năm trước. Riêng đối với các chợ truyền thống, Chợ Quảng Ngãi (chợ hạng 1) các mặt hàng giày dép, mỹ phẩm, quần áo, vải… sức mua giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế thì có nguyên nhân do xu hướng chung của phát triển thương mại là tăng trưởng ở các loại hình thương mại hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử, thương mại qua các nền tảng số…)
Hiện nay, theo Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ. Hàng hóa dồi dào, các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết phong phú, nhiều chủng loại, bao bì đẹp; việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết đã được các doanh nghiệp, thương nhân phân phối chuẩn bị, dự trữ từ nhiều tháng trước; giao thông thông suốt, thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạ tầng thương mại nông thôn đang được đầu tư phát triển với nhiều loại hình phong phú như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng cố định,….
Ảnh: Hàng hóa trưng bày tại Siêu thị Co.opMart - Bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Dự báo sức mua, mức chi tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 bởi những yếu tố lớn tác động như: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 mặc dù có những dấu hiệu tích cực, phục hồi sau dịch COVID-19 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; đặc thù địa bàn tỉnh có tỷ lệ dân cư nông thôn cao, người dân có thói quen tích trữ, tự túc lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong các dịp lễ, Tết; lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm (lúa, gạo, gia súc, gia cầm…) trong dân nhiều; xu hướng tăng tiêu dùng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử…. Theo đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra một số chương trình khuyến mại, chiết khấu, giảm giá các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao để người dân quan tâm mua sắm, kích cầu tiêu dùng.
Hiện nay, Sở Công Thương triển khai đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để chủ động, tập trung thực hiện đảm bảo mục đích, yêu cầu theo Kế hoạch, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công Thương./.
Vân Sơ