Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Ảnh hưởng của cơn bão số 9: Ổn định thị trường mặt hàng tole, tấm lợp

04/11/2020 07:16    133

Sau bão số 9, người dân và các cơ sở, công sở đổ xô đi mua mặt hàng vật liệu xây dựng (đặc biệt là tole, tấm lợp), để sửa chữa và gia cố nhà cửa. Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã chủ động liên hệ với các công ty, tập đoàn về sản xuất mặt hàng tole, yêu cầu các hệ thống phân phối tole của các đơn vị không được tăng giá tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9.

Đảm bảo nguồn hàng cho bà con nhân dân

Theo Sở Công Thương Quảng Ngãi, số lượng nhà dân bị thiệt hại rất lớn, nhiều trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế bị tốc mái. Nhu cầu tấm lợp, tole, ngói, đinh vít… tăng đột biến nên đã xảy ra tình trạng đứt hàng cục bộ đối với ngói và tấm lợp trong khoảng 3 ngày đầu sau bão.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho hay, sức mua đối với các mặt hàng tole, tấm lợp hiện tăng mạnh so với thông thường. Đến nay, một số nơi đã có điện trở lại và vận hành máy móc cán tôn, làm giảm áp lực mua bán đối với mặt hàng này, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho người tiêu dùng.

Mặt hàng như tole, tấm lợp được người dân đổ xô đi mua sau bão số 9. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Mặt hàng như tole, tấm lợp được người dân đổ xô đi mua sau bão số 9. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, hiện tại, mặt hàng trên đang được các doanh nghiệp, tổng đại lý, đại lý điều động và đang trên đường vận chuyển về tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi kịp thời cung cấp, đáp ứng nhu cầu cho người dân trên địa bàn.

Vụ Thị trường trong nước đã liên hệ và đề nghị một số doanh nghiệp sản xuất tấm tole lớn như: Công ty TNHH Tôn Hoà Phát, Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Việt Mỹ,... và các công ty đều cam kết, nguồn cung tấm lợp được đảm bảo và không tăng giá tại các địa bàn bị ảnh hưởng của cơn bão số 9.

Hiện nay, Vụ Thị trường trong nước thường xuyên đôn đốc, bám sát tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu nói chung, hàng hóa nguyên vật liệu nói riêng tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của cơn bão số 9.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc về khắc phục hậu quả bão số 9 và công tác tìm kiếm cứu nạn vào chiều ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có công điện gửi tới các địa phương về công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa ứng phó với thiên tai. Về cơ bản đã đáp ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa cho bà con nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho hay, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo, liên lạc, làm việc với các tổng đại lý, ngành hàng, các thương nhân đầu mối, phân phối các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh tăng cường cung ứng nguồn hàng, nhất là các mặt hàng tấm lợp, tole, ngói, đinh vít… phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hiện tại, các nguồn hàng trên đang được các tổng đại lý, đại lý, ngành hàng điều động vận chuyển về Quảng Ngãi.

Khắc phục sớm hệ thống lưới điện để cắt dập tole

Trong và sau bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi mất điện trên toàn tỉnh, hầu hết các nhà máy dập, cán tole không thể hoạt động do thiếu điện. Sau khi hệ thống điện được khắc phục tại một số địa phương, các nhà máy cán, dập tole đã hoạt động trở lại; các lô hàng ngói lợp, tấm lợp đã được nhà phân phối chuyển về Quảng Ngãi, góp phần giải quyết hiện tượng thiếu hụt hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Nhà của ông Trần Văn Đô (Tư nghĩa, Quảng Ngãi) bị sập hoàn toàn do bão số 9

Nhà của ông Trần Văn Đô (Tư nghĩa, Quảng Ngãi) bị sập hoàn toàn do bão số 9

Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu ngành điện kịp thời khắc phục sự cố mất điện; ưu tiên những khu vực có nhà máy dập, cán tole để phục vụ nhu cầu tấm lợp của nhân dân; phối hợp UBND các huyện tổng hợp nhu cầu tấm lợp trên địa bàn để có kế hoạch điều phối kịp thời.

Đối với những khu vực không thể sớm khắc phục sự cố mất điện: Sở Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp dập, cán tole ngoài tỉnh bố trí lắp đặt các trạm dập, cán tole di động với máy phát điện để phục vụ nhân dân.

Trong những ngày tới, thị trường tole, ngói, tấm lợp trên địa bàn tỉnh sẽ trở lại bình thường khi các nhà máy dập, cán tole hoạt động trở lại. “Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương kêu gọi vận động doanh nghiệp dập, cán tole của các địa phương ngoài tỉnh lắp đặt các trạm dập, cán tole di động, sử dụng máy phát điện tại chỗ để kịp thời cung ứng nhu cầu của nhân dân” - đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi chia sẻ.

Riêng đối với hàng hóa thiết yếu, theo báo cáo tình hình thị trường mới nhất của Sở Công Thương Quảng Ngãi, hiện hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ trên địa bàn tỉnh đã mở cửa hoạt động bình thường với lượng hàng phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu người dân. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu do có sự chủ động tích trữ của người dân trước bão nên sức mua không cao. Nhìn chung nhu cầu mua sắm mặt hàng lương thực, thực phẩm diễn ra bình thường, giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào (trừ mặt hàng rau, củ bị ảnh hưởng nặng sau bão, thiếu hụt nguồn cung, giá cả tăng).

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho hay, Sở Công Thương đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Công Thương, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở kinh doanh những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2020; chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối, các cơ sở kinh doanh thương mại tăng cường nguồn hàng cung cấp ra thị trường để kịp thời cung cấp nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân. Nhờ đó, mặt hàng lương thực, thực phẩm đảm bảo nguồn cung, giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

THÀNH LONG - Báo Congthuong.vn