Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035

24/02/2023 16:46    55

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2022 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược) nhằm định hướng phát triển ngành Dệt May và Da Giầy theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của Ngành; đẩy mạnh các hình thức về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giầy tại một số địa phương phía Bắc, phía Nam và khu vực miền Trung (trong đó có Quảng Ngãi) để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Theo đó, Chiến lược đề ra 3 mục tiêu chính: (i) Phát triển ngành Dệt May và Da Giầy là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Dệt May và Da Giầy hàng đầu thế giới. (ii) Đến năm 2035, ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới. (iii) Phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng Dệt May và Da Giầy đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững; thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.

Chiến lược đề ra 7 giải pháp đối với ngành Dệt May và Da Giầy hiện nay: Phát triển thị trường; Thu hút đầu tư và phát triển chuỗi giá trị trong nước; Phát triển nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất; Tổ chức quản lý; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hoá ngành Dệt May và Da Giầy; Cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn.

Sở Công Thương được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh rà soát, tổng hợp, tham mưu công tác triển khai thực hiện Chiến dịch bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế phát triển ngành Dệt May và Da Giầy tại địa phương./.

Ngọc Phú