Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi Khu Kinh tế Dung Quất trở thành khu kinh tế xanh

11/09/2023 10:54    219

Kinh tế xanh theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đó là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm. Với chức năng tham mưu quản lý nhà nước ngành công thương trên địa bàn tỉnh; Sở Công Thương Quảng Ngãi nhìn nhận về cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi Khu Kinh tế Dung Quất trở thành khu kinh tế xanh

Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và để thực hiện đạt mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; tỉnh Quảng Ngãi có định hướng nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng Khu kinh tế Dung Quất theo hướng xanh hóa sản xuất.

Theo đó, Khu Kinh tế Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - đô thị và nông lâm ngư nghiệp; trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu. Hiện tại, Khu kinh tế có vai trò là hạt nhân, động lực phát triển của tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, về thực trạng, Khu kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thâm dụng về lao động, về vốn đầu tư, về tài nguyên, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và phát triển xã hội.

Về chính sách, Nhà nước đã có cơ chế chính sách về tăng trưởng xanh, về chuyển đổi khu kinh tế, khu công nghiệp truyền thống sang mô hình tăng trưởng xanh, sinh thái; khuyến khích các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp áp dụng mô hình phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, như: Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những hiệp định này đều đặt ra yêu cầu phải thay đổi sản xuất và quan tâm nhiều hơn đến môi trường. Để xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp cần thực hiện tăng trưởng xanh để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thực tiễn về về phát triển kinh tế xanh, bước đầu đã có một số doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp đã chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Đối với Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đến năm 2045; UBND tỉnh đã có Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17/8/2023 ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đang triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi Khu Kinh tế Dung Quất thành khu kinh tế xanh còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, kinh tế xanh là khái niệm còn mới mẻ, theo đó còn nhiều sở, ban ngành, UBND cấp huyện chưa thật sự quan tâm đúng mức đến tăng trưởng xanh. Đồng thời, phần lớn người dân và doanh nghiệp ở tỉnh cũng chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh.

Thứ hai, thay đổi mô hình tăng trưởng Khu kinh tế Dung Quất từ chiều rộng sang theo chiều sâu dựa vào các yếu tố năng suất liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cần phải có đủ nguồn lực để thực hiện, nhất là nguồn lực về tài chính. Doanh nghiệp cần phải thay thế công nghệ sản xuất từ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng luợng sang công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với nền kinh tế xanh để tăng trưởng xanh là thách thức không nhỏ nếu không có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ Nhà nước về vốn và công nghệ.

Thứ ba, để góp phần thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là đưa ra mức phát ròng bằng “0” vào năm 2050, Khu kinh tế Dung Quất cần phải nhanh chóng chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng xanh đồng bộ trong tất cả toàn chuỗi cung ứng, cũng như ở nhiều ngành khác nhau và đây cũng là một thách thức lớn, cần phải vượt qua.

Thứ tư, đối với những rào cản về môi trường, khí hậu, chất lượng sản phẩm trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; các doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh, nếu chậm thực hiện chuyển đổi xanh sẽ bị mất hoặc bị thu hẹp thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Thứ năm, ý thức, thói quen tiêu dùng của đa số người tiêu dùng ở tỉnh vẫn còn mang tính truyền thống, thường lựa chọn các sản phẩm có giá thành rẻ hơn là quan tâm đến chất lượng, quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, để Khu kinh tế Dung Quất thực sự trở thành Khu kinh tế xanh, song song với việc thực hiện chuyển đổi nhanh chóng các khu công nghiệp thực trạng sang khu công nghiệp sinh thái, kinh tế xanh; đối với các khu công nghiệp thành lập mới cần thiết áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái ngay từ ban đầu./.

Trần Đăng Quý