Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đã phân cấp trên các lĩnh vực thuộc Sở Công Thương

16/01/2023 08:46    99

Trong năm 2022, cùng với việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch, hoạt động kiểm tra nhiệm vụ phân cấp quản lý nhà nước trên lĩnh vực ngành được tăng cường, góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước ngành công thương tại địa phương.

Theo đó, Sở Công Thương đã tập trung thực hiện kiểm tra nhiệm vụ phân cấp theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quy định phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Quyết định số 69/2021/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quy định phân cấp cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành công thương không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Sở Công Thương đã kiểm tra, hậu kiểm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý ngành công thương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả: đã phát hiện 05 cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 35.000.000 đồng. Đồng thời, lấy 24 mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng có 21 mẫu đạt, 03 mẫu không đạt (gồm: nước sốt tương ớt, mứt chùm ruột, nem đang kinh doanh tại Chợ Quảng Ngãi, có hàm lượng chất bảo quản Natri Benzoat vượt quy định cho phép), Sở Công Thương có văn bản thông báo đến cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương liên quan để kiểm tra, giám sát các sản phẩm trên.

Qua công tác kiểm tra, hậu kiểm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: nguồn nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm của UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn ít, chưa đáp ứng với tình hình quản lý an toàn thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp; công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ chưa được thực hiện tốt, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn sản phẩm vẫn còn được bày bán; một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (không có Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định); sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất thực phẩm; không bố trí tách biệt nhà vệ sinh với khu vực sản xuất và cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực sản xuất, chế biến…

Từ những tồn tại và hạn chế qua kiểm tra, Sở Công Thương kiến nghị cấp thẩm quyền quan tâm, xem xét bổ sung biên chế có chuyên ngành thực phẩm cho các địa phương để phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm của ngành công thương trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian đến; bố trí kinh phí để phục vụ cho hoạt động quản lý, kiểm tra, hậu kiểm của ngành. Đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn; cập nhật trên phần mềm xử lý chồng chéo của Thanh tra tỉnh khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, trùng lắp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và Quyết định số 81/2017/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 của UBND tỉnh.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chợ theo phân cấp, Sở Công Thương đã thực hiện kiểm tra tại 04 huyện, thành phố: Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà và thành phố Quảng Ngãi. Theo đó, hệ thống chợ trên địa bàn các huyện, thành phố gồm có chợ hạng 1, chợ hạng 2, chợ hạng 3 và chợ tạm (chợ chưa đủ điều kiện để đánh giá phân hạng) và các hình thức quản lý như: doanh nghiệp quản lý, hợp tác xã quản lý, ban quản lý, tổ quản lý; 01 người quản lý hoặc tự quản. Mạng lưới chợ trên địa bàn 04 huyện đã từng bước được đầu tư nâng cấp và phát triển theo đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua bán, lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác phân cấp quản lý chợ trên địa bàn theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh như: ban hành quyết định phân hạng chợ; phê duyệt nội quy chợ đối với chợ hạng 2 và chợ hạng 3; thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn, đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn biết thực hiện công tác quản lý nhà nước về chợ theo đúng quy định; ban hành quyết định thành lập, giải thể, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của ban quản lý chợ hạng 2; phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, phương án cho thuê, đấu giá điểm kinh doanh đối với chợ hạng 2, hạng 3.

Nhìn chung, ngoài các chợ đã được đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp trong những năm gần đây, các chợ còn lại phần lớn ở địa bàn nông thôn, nhà lồng chính đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng, các hộ tiểu thương tự dựng liều, mái che để kinh doanh buôn bán; hệ thống thu gom, xử lý nước thải chưa được trang đầu tư xây dựng; đường giao thông nội bộ trong phạm vi chợ đã xuống cấp và bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán; nền chợ ẩm thấp chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân.

Nhận định, đánh giá qua kiểm tra về phân cấp quản lý chợ, Sở Công Thương báo cáo, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí ngân sách cho các huyện, thành phố nâng cấp, sửa chữa những chợ nông thôn đã bị xuống cấp nhưng gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư để phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán của bà con nhân dân tại địa phương. Đồng thời, đề nghị UBND huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác quản lý chợ trên địa bàn, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa kinh doanh tại chợ phải đảm bảo theo đúng quy định; chỉ đạo xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, các địa điểm buôn bán kinh doanh tự phát; đối với những chợ nông thôn đã bị xuống cấp, chợ chưa đủ điều kiện xếp hạng (chợ tạm), gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, quản lý chợ bằng hình thức xã hội hóa, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí vốn để đầu tư xây dựng chợ đáp ứng nhu cầu mua bán của bà con nhân dân, góp phần đạt chuẩn nông thôn mới đối với tiêu chí số 7. Đối với những chợ đã bị xuống cấp trầm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, trong thời gian chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư xây dựng lại, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức cải tạo, gia cố hoặc có thể tháo gỡ để người dân tự dựng lều kinh doanh buôn bán, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra. Việc thiết kế đầu tư xây dựng chợ tại địa phương cần tham khảo, lấy ý kiến của tiểu thương kinh doanh tại chợ về quy mô, thiết kế, phương án bố trí sắp xếp ngành hàng tại chợ phù hợp nhu cầu thực tế của người mua và người bán nhằm tránh đầu tư xây dựng không phù hợp nhu cầu dẫn đến không hiệu quả và lãng phí./.

Tài Năng