Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Hoạt động khuyến công, động lực phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Ngãi

16/05/2023 08:30    157

Quảng Ngãi là tỉnh nằm ở tâm điểm miền Trung Việt Nam, có hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt; cách Cảng hàng không quốc tế Chu Lai 30 km; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn - là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế; có tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch dịch vụ và kinh tế biển đảo. Trong những năm qua, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã không ngừng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển công nghiệp và thương mại đã đề ra, trong đó, phát triển công nghiệp được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ XVI, XVII, XVIII, XIX, XX (2005- 2025) xác định là nhiệm vụ đột phá của tỉnh, giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi, tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 tăng 7,69%, chỉ số phát triển (IIP) tăng dần theo từng năm, nổi bật là năm 2021 đạt mức tăng trưởng đột phá tới 14,3%. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của công nghiệp nông thôn, với vai trò hỗ trợ đắc lực của hoạt động khuyến công.

Khuyến công: Cú hích thay đổi diện mạo nông thôn

Theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ, hoạt động khuyến công là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Cũng theo Nghị định này, đối tượng của hoạt động khuyến công là “Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã… được gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn”.

Các cơ sở công nghiệp nông thôn ở tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, nhưng công nghiệp nông thôn là một bộ phận không thể tách rời của nền công nghiệp nói chung. Với phương châm phát triển sản xuất, giải quyết lao động ở địa phương để góp phần thực hiện nông thôn mới, hàng năm, qua khảo sát, thẩm định và lựa chọn, Sở Công Thương đã phê duyệt hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và trình Bộ Công Thương hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia. Nhờ vậy, những năm gần đây, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn ở Quảng Ngãi phát triển mạnh, đa dạng ngành nghề, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, từ nguồn khuyến công tỉnh Quảng Ngãi, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã hỗ trợ cho 26 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng giá trị hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng, các nội dung được chú trọng là hỗ trợ áp dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên liệu, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm. Qua kiểm tra đánh giá các đề án khuyến công đã được hỗ trợ, 50% các đơn vị được hỗ trợ tiếp tục đầu tư để phát triển sản xuất, điều này là tín hiệu tích cực, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công.Hỗ trợ ứng dụng máy in kỹ thuật số trong in bao bì carton

Hỗ trợ ứng dụng máy in kỹ thuật số trong in bao bì carton

Hỗ trợ ứng dụng máy cắt laser trong cơ khí, cắt thép có độ dày lên 22mm

Hỗ trợ ứng dụng máy cắt laser trong cơ khí, cắt thép có độ dày lên 22mm

Hỗ trợ ứng dụng máy làm bao bì LDPE 02 lớp, chiều rộng bao lên tới 2200mm Các sản phẩm khác được hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh Quảng Ngãi

Hỗ trợ ứng dụng máy làm bao bì LDPE 02 lớp, chiều rộng bao lên tới 2200mm 

Cùng với đó, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Ngãi chú trọng thu hút nguồn khuyến công từ trung ương để hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh.

Trong năm 2016 và năm 2017 UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia: Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2016; Hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VII năm 2016; Hội chợ, triển lãm Công thương duyên hải miền Trung tại Quảng Ngãi năm 2017 diễn ra từ ngày 06/9/2017 đến ngày 12/9/2017 với sự tham gia của 200 đơn vị trong cả nước với quy mô gần 400 gian hàng. Cũng trong thời gian diễn ra Hội chợ triển lãm, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đạt được được hiệu quả cao nhất trong công tác xúc tiến thương mại, tìm hiểu và khai thác thị trường Quảng Ngãi, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất năm 2017. Đây là buổi gặp gỡ rất thiết thực, tạo cầu nối giữa 48 doanh nghiêp tiêu biểu của 14 tỉnh thành đến tham dự và các đơn vị, các đầu mối kinh doanh lớn trong lĩnh vực thương mại của tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả hội nghị đã có 15 cặp biên bản ghi nhớ của 24 đơn vị, điều này đã thể hiện phần nào sự thành công, tính hiệu quả mà hội nghị đem lại cho các doanh nghiệp tham gia.Quang cảnh khai mạc Hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VII

Quang cảnh khai mạc Hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VII

Lễ cắt băng khai mạc Hội chợ, triển lãm Công thương duyên hải miền Trung tại Quảng Ngãi

Lễ cắt băng khai mạc Hội chợ, triển lãm Công thương duyên hải miền Trung tại Quảng Ngãi

Toàn cảnh Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Quảng Ngãi

Toàn cảnh Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Quảng Ngãi

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi với giá trị gần 13,5 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 18 đơn vị, trong đó phải kể đến nội dung hỗ trợ rất quan trọng là đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Tịnh Bắc – huyện Sơn Tịnh, Ba Động - huyện Ba Tơ, Đồng Làng - thị xã Đức Phổ, quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp La Hà MR - huyện Tư Nghĩa và An Sơn huyện Mộ Đức. Sử dụng hiệu quả nguồn khuyến công trung ương cho đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, trong các năm qua các CCN này đã thu hút 12 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 200 tỷ đồng, dự kiến thu hút hơn 600 lao động tại địa phương.Đường trong CCN Ba Động được thực hiện từ nguồn khuyến công quốc gia

Đường trong CCN Ba Động được thực hiện từ nguồn khuyến công quốc gia

Việc triển khai thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công hỗ trợ đối với cụm công nghiệp đã tạo động lực quan trọng phát triển công nghiệp và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thông qua đó đã thu hút được nhiều nguồn lực khác đầu tư vào công nghiệp nông thôn.

Khuyến công: Từ hỗ trợ đến thương hiệu

Có thể nói, hoạt động khuyến công của Quảng Ngãi là một nỗ lực rất lớn, góp phần tạo cải thiện thay đổi diện mạo công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên để nguồn hỗ trợ từ khuyến công thực sự là một cú hích hiệu quả, trước tiên các đơn vị được hỗ trợ phải nỗ lực trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường và tiếp tục cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để phát triển. Trong quá trình đó, Ngành Công Thương sẽ là một người bạn đồng hành cùng các đơn vị, theo dõi bước phát triển của đơn vị để hỗ trợ trong các hoạt động về thương mại, thị trường, tạo sự phát triển ổn định bền vững.

Theo đó, trong những năm qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận cho 39 sản phẩm đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; Cục Công Thương địa phương công nhận 20 sản phẩm Công nghiệp nông thôn cấp khu vực và 07 sản phẩm Công nghiệp nông thôn cấp Quốc gia được Bộ Công Thương công nhận. Các sản phẩm được công nhận ở các cấp sẽ được ưu tiên lựa chọn hỗ trợ để tham gia các hội chợ triển lãm trong toàn quốc.

Sản phẩm Bò khô Thu Ba

Sản phẩm Bò khô Thu Ba

Khuyến công: Cần sự tiếp sức

Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp của trung ương bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp. Tuy nhiên, vốn đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh của cụm công nghiệp là rất lớn, nguồn hỗ trợ từ khuyến công chỉ là bước hỗ trợ ban đầu, do đó, các địa phương cần tiếp tục bố trí kinh phí để đầu tư hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn từ khuyến công và đáp ứng các quy định về cụm công nghiệp của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020./.

Trần Đăng Quý