Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid – 19

19/09/2021 07:14    113

Ngày 13/9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid – 19. Tham dự Hội nghị có đại điện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, các cơ quan truyền thông, báo chí tham dự tại điểm cầu Hà Nội và điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu Quảng Ngãi có đồng chí Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí địa phương đến tham dự và đưa tin.

Hội  nghị đã đánh giá tình hình lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông thủy sản, nhất là mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2021; thảo luận những khó khăn, vướng mắc phát sinh đối với lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid – 19 nói chung và qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tiêu thụ nông sản, trái cây trong bối cảnh tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh; thảo luận các cơ chế quản lý của Trung Quốc; đề xuất các kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu các tháng cuối năm 2021 và trong thời gian tới.

Theo đó, trong những năm qua, việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có chuyển biến tích cực, thay đổi phương thức sản xuất “tự cung, tự cấp” sang “sản xuất hàng hóa”, mô hình “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất xanh, sản xuất an toàn, liên kết sản xuất qua các hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhìn chung được thực hiện thuận lợi qua các kênh truyền thống và hiện đại; tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức lớn: sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng còn yếu kém, chủ yếu là chế biến thô, gắn kết theo chuỗi chưa cao, năng lực cạnh tranh của ngành còn hạn chế; thị trường tiêu thụ chịu tác động chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; dịch bệnh trên cây trồng giống nuôi; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, các địa phương trong cả nước cũng như các nước trong khu vực và thế giới phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch nên việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp càng trở nên khó khăn, phức tạp  do đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong thu hoạch, vận chuyển, chế biến, lưu thông.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, tình hình thương mại toàn cầu năm 2021 hiện còn ảm đạm và vẫn khó dự đoán, phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn còn âm ỉ, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu; các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sẽ là thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam; tình trạng thiếu vỏ container vẫn còn tiếp diễn, giá cước vận chuyển quốc tế bằng đường biển tăng cao; các khó khăn mà các doanh nghiệp nông, lâm, thủy hải sản phải đối mặt từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay vẫn còn như: tín dụng, thuế; chi phí lãi suất, chi phí vận tải, các loại phí cảng còn cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Đối với Quảng Ngãi, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đổi mới công nghệ trong thu hoạch, bảo quản nông sản; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, áp dụng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm tỏi Lý Sơn và các sản phẩm thế mạnh của địa phương; giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua việc tham gia các Hội nghị kết nối cung cầu và Hội chợ trên cả nước; thường xuyên thông tin về thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp/hộ kinh doanh có định hướng sản xuất nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản Quảng Ngãi, đặc biệt đối với nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị ảnh hưởng trong bối cảnh chung của cả nước, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phong toả, cách ly đối với các ổ dịch được triển khai, nên công tác thu hoạch, chế biến và nhập nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng; các doanh nghiệp duy trì sản xuất, chế biến thực hiện mô hình “3 tại chỗ” làm phát sinh thêm các chi phí phòng, chống dịch Covid-19. Việc các quốc gia đóng cửa biên giới, siết chặt các biện pháp lưu thông đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản (giảm sản lượng xuất khẩu, kéo dài thời gian lưu thông,..). Nông sản của tỉnh Quảng Ngãi xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc (dưa hấu, ớt, chuối, tỏi, ốc hương, muối, dăm gỗ…) ở dạng thô, chưa qua chế biến nên thời hạn bảo quản không dài, giá trị gia tăng thấp. Đồng thời, các địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo từng cấp độ ở từng địa phương khác nhau, không thống nhất trong cơ chế lưu thông, làm chi phí và thời gian vận chuyển nông sản tăng, quy mô thị trường nội địa giảm. 

Bộ Công Thương xác định thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay là quan trọng nhất, đồng thời, phải tiếp tục giữ vững, mở rộng thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, các khu vực thị trường Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu. Trong đó, Trung Quốc là một thị trường có quy mô rất lớn, có triển vọng tăng trưởng đối với hàng hóa nói chung, nông sản, thủy sản nói riêng, đặc biệt là xuất khẩu hàng rau quả trong các tháng cuối năm 2021 do nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc trong thời điểm mùa lễ hội và dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Theo đó, Bộ đề ra phương châm vừa đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước vừa phải phát triển thị trường xuất khẩu và không quá lệ thuộc vào một thị trường hoặc một vài thị trường chủ yếu.

Theo phương châm này, Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin ngừa Covid-19 cho tỉnh Quảng Ngãi để phòng chống dịch bệnh, phát triển sản xuất; trong đó tiêm cho các đối tượng tham gia hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm đảm bảo hoạt động chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, đáp ứng “mục tiêu kép” đề ra. Khắc phục sự thiếu sự thống nhất, nhất quán trong kiểm soát lưu thông hàng hóa do cấp độ dịch bệnh khác nhau theo hướng tích hợp thống nhất giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương, trong đó đẩy mạnh tích hợp các phần mềm kiểm soát điện tử, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hoá, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường đàm phán thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản của địa phương, giảm lệ thuộc vào một thị trường chính là Trung Quốc…

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh tốt nhất trong điều kiện của các địa phương vẫn còn khó khăn; đồng thời nêu rõ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản của ngành nông nghiệp trong nước; bên cạnh những kết quả đạt được thì việc sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do những yếu tố cả chủ quan và khách quan. Cùng với chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải chú trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân; tập trung dập dịch nhanh chóng; Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ và phải đảm bảo không để lây lan dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa; xây dựng phương án phục hồi sản xuất; rà soát hoạt động sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân./.

Anh Thy