Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kết quả, giải pháp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Công Thương năm 2023

11/01/2024 13:50    139

Năm 2023, ngành thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành thuộc các Sở nói riêng còn gặp khó khăn, lúng túng khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 và các Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chưa hướng dẫn, ban hành. Tuy nhiên, bám sát định hướng của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ Công Thương, Giám đốc Sở đã phê duyệt Kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo Thanh tra Sở tập trung tiến hành triển khai, đề ra giải pháp và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành chỉ tiêu 100%

Theo đó, đã tổ chức khảo sát tình hình thực tế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở để xây dựng kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm 2023, tổ chức thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 90 tổ chức, đơn vị. Trong đó, đã triển khai 05 cuộc thanh tra đối với 07 đơn vị, đạt 100% kế hoạch đã được phê duyệt và 08 cuộc kiểm tra, hậu kiểm đối với 83 đơn vị về việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động điện lực, họat động khuyến mại, thiết lập Website thương mại điện tử, hoạt động hóa chất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quyền quản lý của ngành Công Thương, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn tỉnh, kiểm tra an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh, theo dõi thị trường, kiểm tra, giám sát các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.  

Qua đó, phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều bất cập, sơ hở trong thể chế, chính sách hiện hành; đồng thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực của ngành; trong đó, Chánh Thanh tra Sở đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt 106.000.000 đồng, nộp 100% vào ngân sách nhà nước; buộc thu hồi và buộc tiêu hủy 30kg sản phẩm tinh bột nghệ bị lỗi; đình chỉ hoạt động sản xuất của 01 cơ sở sản xuất thực phẩm trong thời hạn 01 tháng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị hữu quan hướng dẫn, xem xét giải quyết kịp thời hoặc báo cáo cấp thẩm quyền chỉ đạo giải quyết các vấn đề, nội dung phát hiện qua kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực an toàn thực phẩm, hóa chất, nổ mìn thi công..., phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thực hiện Kế hoạch tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đối với nội dung: “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS&MN” và “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

 

Từ thực tiễn công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Công Thương, Thanh tra Sở Công Thương được báo cáo tham luận về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2024 của Thanh tra tỉnh, theo đó, có những giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ như sau:

1. Tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc nhiệm vụ công tác năm cho cán bộ, công chức thanh tra để nắm rõ và tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Chủ động trong công tác tham mưu Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Kịp thời báo cáo, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hoặc chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn của công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện. Để thực hiện được mục tiêu trên, Lãnh đạo Thanh tra phải gương mẫu, đi đầu trong mọi vấn đề và phải chung tay cùng chia sẻ thực hiện trực tiếp các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

2. Chủ động liên hệ, trao đổi nghiệp vụ liên quan những vấn đề khó khăn, vướng mắc và tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Tỉnh, Thanh tra Bộ. Thường xuyên tạo điều kiện và quan tâm chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác thanh tra, để học tập nâng cao trình độ…đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra.

3. Cần phải có cán bộ có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành thanh tra. Yêu cầu này để đáp ứng được khi tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất, kể cả thanh tra liên ngành. Do vậy cơ quan thanh tra chuyên ngành cần có một số cán bộ thanh tra được đào tạo chính quy và có kiến thức sâu về các lĩnh vực chuyên môn thuộc ngành. Bên cạnh đó phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thu thập thông tin của doanh nghiệp liên quan đến chuyên ngành thanh tra và theo dõi một cách hệ thống, qua đó kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để tiến hành thanh tra, tham mưu kiến nghị xử lý vi phạm kip thời theo quy định.

 

4. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng được thanh tra, kiểm tra buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm đó, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, tiến hành xử phạt ngay theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không phải đợi kết luận thanh tra. Sau đó, cần phải thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình hoạt động của đơn vị đó. Đánh giá tình hình thực hiện, nguyên nhân của việc vi phạm để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh.

5. Phải gắn với công tác tuyên truyền hướng dẫn các văn bản, chính sách pháp luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình thanh tra, kiểm tra./.

Thanh tra Sở