Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 khóa XX về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi thuộc lĩnh vực Công Thương

31/05/2023 17:04    161

Căn cứ Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 06/5/2022 của UBND tỉnh Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 khóa XX về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi; theo nhiệm vụ được giao, hàng năm, Sở Công Thương triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện, ban hành hướng dẫn, lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc lĩnh vực Công Thương.

Theo đó, Sở Công Thương đã tập trung phối hợp cùng các ngành, địa phương tham mưu về cơ chế, chính sách, triển khai các chương trình hoạt động của ngành, các tiêu chí thuộc lĩnh vực ngành trong các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn miền núi, ưu tiên bố trí nguồn lực gắn với phát huy nội lực của cộng đồng dân cư và xã hội, thực hiện đạt kết quả trên 03 nhiệm vụ chủ yếu thuộc lĩnh vực ngành, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của miền núi.

Về phát triển thương mại miền núi, có nhiều loại hình tổ chức thương mại được hình thành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là mạng lưới kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh, kể cả hộ nông dân vừa sản xuất vừa kinh doanh thương mại, góp phần vào  tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân. Hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ, từng bước được quan tâm đầu tư, chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Hệ thống bán lẻ tổ chức tốt, hệ thống phân phối đa dạng, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn; việc lưu thông hàng hóa đến các địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thông suốt; các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân (gạo, dầu ăn, mắm, thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát, đường,...) phong phú, dồi dào. Từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại tập trung đẩy mạnh mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa Sở Công Thương Quảng Ngãi với Sở Công Thương các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng  Ninh,... thông qua các Hội nghị kết nối cung cầu và qua Sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ www.tradequangngai.com.vn hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, giới thiệu, quảng bá hỗ trợ, đưa sản phẩm đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối. Một số sản phẩm đặc trưng của các huyện miền núi Quảng Ngãi được kết nối như: chè Minh Long, sản phẩm dệt thổ cẩm làng Teng - Ba Tơ; mật ong rừng Ba Tơ, dầu phụng, mắm cá niên, khổ qua rừng sấy khô, măng khô Sơn Tây, các sản phẩm được chế biến từ cây quế Trà Bồng như nhang quế, bột quế, bộ bình ly quế, nước lau sàn quế, tinh dầu quế, ống nhang quế... và một số sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh.

Hỗ trợ xây dựng 02 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Trà Bồng và Ba Tơ; tổ chức 02 Phiên chợ hàng Việt tại các huyện Minh Long và Trà Bồng. Tại các Phiên chợ hàng Việt có sự tham gia của huyện Ba Tơ với sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng, rượu cần, đan lát hoa văn thổ cẩm… và các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm đặc trưng của các huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi... Qua các phiên chợ, một số doanh nghiệp còn kết hợp thực hiện nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng thăm quan và mua sắm.

Đồng thời, tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm, khảo sát thị trường, giao lưu thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của địa phương; tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hội nhập quốc tế… để doanh nghiệp nắm thông tin triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn.

Về kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi có 04 cụm công nghiệp, thu hút 11 dự án đầu tư, sản phẩm chủ yếu là chế biến dăm gỗ, ván bóc, gỗ thanh bán thành phẩm, các sản phẩm từ gỗ, tinh dầu cây dược liệu và các sản phẩm phụ từ cây quế; giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động của địa phương (Ba Tơ: 07 dự án (280 lao động); Sơn Hà: 02 dự án (350 lao động); Trà Bồng: 02 dự án, trong đó, năm 2022 thu hút đầu tư 01 dự án sản xuất các sản phẩm từ gỗ tại xã Long Mai, huyện Minh Long, hiện dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.

Về chương trình cấp điện nông thôn, miền núi,  năm 2021, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với Tiểu dự án: Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia do EU tài trợ với khối lượng đường dây trung áp: 32,546 km; đường dây hạ áp: 74,571 km; số TBA/dung lượng: 47 trạm/2.152 kVA; số hộ dân được cấp điện: 4.016 hộ.

 

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù địa bàn miền núi, nhiệm vụ xúc tiến đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều thương nhân có năng lực đầu tư vào địa bàn miền núi; chưa tạo được mối liên kết thị trường; thương mại miền núi còn thiếu cơ chế hỗ trợ đặc thù. Hiện chưa có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt, kết nối thị trường, hình thành chuỗi phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ở miền núi. Mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản theo chuỗi giá trị hiệu quả chưa cao. Việc phối hợp, hỗ trợ bảo vệ thương hiệu một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn thấp. Kinh phí về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn hạn chế, việc kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở nông thôn miền núi gặp nhiều khó khăn, do hiệu quả không cao, ít mang lại lợi nhuận, chậm thu hồi vốn.

Việc đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp ở miền núi cũng gặp nhiều khó khăn; hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện khác của cụm công nghiệp (Hệ thống kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, nhất là hệ thống xử lý môi trường…), nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thị trường tiêu thụ, chất lượng nguồn lao động còn hạn chế nên chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi còn nhỏ lẻ, mẫu mã hàng hóa chưa phong phú đa dạng, khó kết nối.

Từ những khó khăn, tồn tại hạn chế, Sở Công Thương đã có những kiến nghị, đề xuất các cấp thẩm quyền bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại miền núi đạt kết quả, nhằm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Công Thương được Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 khóa XX về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi đề ra./.

Thùy Nhân