Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022

13/01/2023 16:03    80

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao về thực hiện nhiệm vụ đối với Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Công Thương được giao làm cơ quan đầu mối), các Sở, ngành và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch theo từng chỉ số thành phần và thực hiện đạt kết quả trong năm 2002.

Về chỉ tiêu “Thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp dễ thực hiện”, ngay từ đầu năm, các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và trình phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Hầu hết các Thủ tục hành chính liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp đều được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng các phầm mềm ứng dụng nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin dễ dàng và thuận lợi. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng trong và ngoài khu, cụm công nghiệp đang triển khai; thực hiện tốt các chương trình khởi sự doanh nghiệp; tổ chức triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022-2025.

Chỉ tiêu “Thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại Khu/cụm công nghiệp” được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thực hiện công khai quy trình quản lý đất đai trên địa bàn; tập trung, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện TTHC liên quan đến giao lại đất, cho thuê đất; xác định mức thu tiền sử dụng đất, mặt nước; xác định mức miễn, giảm tiền sử dụng đất của dự án tại KKT Dung Quất,... tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận thủ tục đất đai để sớm triển khai dự án; đăng ký, cập nhật điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch chung của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với cụm công nghiệp, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh xem xét ban hành Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định ban hành Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

 

Chỉ tiêu “Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của CQNN dễ thực hiện” (%) được Sở Tư pháp chủ trì, triển khai. Theo đó, trong năm 2022, Sở Tư pháp không trực tiếp nhận được đề nghị hỗ trợ nào từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đề nghị của các sở, ngành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh, tham vấn cho các sở,  ngành giải quyết nhiều vụ việc có vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Phương án xử lý đối với dự án Nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu Gia Bảo; hồ sơ đăng ký góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp của ông BI LEIJUN; xử lý tài sản gắn liền với đất tại Xưởng chế biến lâm sản thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa; giải quyết nội dung đề nghị của Công ty TNHH Môi trường Nông nghiệp An Phát; xử lý đối với phần diện tích đất đã thu hồi của Công ty TNHH EASTAR KIC Việt Nam; tính pháp lý của Hợp đồng mua bán tài sản liên quan đến dự án Cơ sở đào tạo nghiệp vụ thực hành du lịch và khách sạn; hồ sơ thuê đất đối với Công ty Cổ phần Thương mại Bắc Sông Trà tại dự án Nhà hàng - Khách sạn Sơn Long…

Cung cấp thông tin triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt với 06 nhóm nội dung, bước đầu đã hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin, tiếp cận mạng lưới tư vấn viên trên Cổng thông tin quốc gia, trang thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ để lựa chọn tư vấn viên hoặc tổ chức tư vấn và dịch vụ tư vấn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Với chỉ tiêu “Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng NSNN về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp dễ thực hiện” (%) và Chỉ tiêu “Thủ tục để được miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người LĐ dễ thực hiện” (%) do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với doanh nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Hiện có trên khoảng 80% người tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 là 61,43%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25,65%, đạt 100% so với kế hoạch năm.

Các chỉ tiêu về “Tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (CCDV) trên tổng số DN (%)” và “Tỷ lệ nhà cung cấp tư nhân và nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ (%)” đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với lĩnh vực này; đồng thời, xử lý và trả kết quả sớm hơn so với quy định của Luật (từ 03 ngày làm việc xuống còn 1,5 ngày làm việc), để doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường; công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh; góp phần thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ phát triển số lượng doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã đề ra.

 “Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của CQNN dễ thực hiện” (%) là chỉ tiêu được giao cho Sở Công Thương chủ trì, trong năm 2022,  không tiếp nhận được đơn đề nghị hỗ trợ tư vấn thông tin thị trường nào từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường theo chức năng nhiệm vụ quản lý của ngành, Sở Công Thương tham mưu về cơ chế gồm:  Quy định mức hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm phát triển ngoại thương của tỉnh Quảng Ngãi; Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh và đã trình dự thảo Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó, là các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu gắn với truyền thông nâng cao nhận thức về các quy định và nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả các Hiệp định về thương mại (Hiệp định CPTPP; Hiệp định RCEP; Hiệp định UKVFTA và các Hiệp định thương mại tự do (FTA);...) với nguyên tắc Ratchet (nguyên tắc không đi lùi) trong cam kết dịch vụ và đầu tư và cung cấp thông tin, dự báo thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước; cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các quy định về SPS của các nước thành viên WTO có thể ảnh hưởng đến mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với chỉ tiêu “Thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ thực hiện (%)”, Sở Tài chính chưa có cơ sở để thực hiện chỉ tiêu này do nguyên nhân hiện nay Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thành lập do chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính theo quy định Khoản 2 Điều 58 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Qua tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu Chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chỉ số thành phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hầu hết các Sở, ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ mở rộng thị trường,…thông qua nhiều hình thức đáp ứng nhu cầu thông tin, tiếp cận cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhanh và kịp thời.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua mạng tư vấn viên còn hạn chế do theo quy định, mạng lưới tư vấn của Bộ, ngành nào thì sẽ do Bộ, ngành đó công nhận nên chưa tạo được đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp tư vấn và các doanh nghiệp; đồng thời, nhìn chung, các doanh nghiệp còn thiếu chủ động trong công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương. Số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn cung cấp các dịch vụ về công nghệ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đào tạo, tư vấn pháp luật,…để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không nhiều, chất lượng chưa cao, nên chưa tạo được hiệu quả và niềm tin đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khi có nhu cầu. Việc tiếp cận, tìm hiểu nội dung cụ thể các chỉ tiêu của từng chỉ số thành phần thuộc bộ Chỉ số PCI gặp khó khăn nên việc đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể đối với từng chỉ số chưa đảm bảo toàn diện và hiệu quả… Đó là các vấn đề, nội dung cơ bản cần có giải pháp khắc phục trong thời gian đến để đảm bảo việc thực hiện Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt kết quả toàn diện, góp phần tăng cường, nâng cao Chỉ số cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Quảng Ngãi./.

Thùy Nhân