Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương năm 2022

13/01/2022 08:04    135

Năm 2022, tình hình thế giới và dịch Covid 19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức cùng đan xen tác động đến phát triển của ngành Công Thương. Với mục tiêu khôi phục, phát triển công nghiệp đột phá và phát triển thương mại không chỉ tăng về lượng mà còn đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững; ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Về phòng chống dịch Covid, khôi phục sản xuất kinh doanh 

 - Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và UBND tỉnh để khôi phục sản xuất kinh doanh trở lại mạnh mẽ trong trạng thái bình thường mới.

- Triển khai hiệu quả các giải pháp của Chính phủ, của các bộ ngành Trung ương và của UBND tỉnh Quảng Ngãi về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền điện, tín dụng, an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…) nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.

(2) Về quy hoạch công nghiệp, thương mại: Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham gia xây dựng: Phương hướng phát triển ngành công nghiệp, ngành thương mại; các phương án về phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp, hạ tầng năng lượng và hạ tầng thương mại để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

(3) Về phát triển công nghiệp

a) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp

- Rà soát điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp, hạ tầng công nghiệp và các ngành công nghiệp ưu tiên có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao, công nghiệp sạch, công nghiệp xanh và công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh và Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành:

+ Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn đến năm 2025

+ Quyết định ban hành Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

+ Quyết định ban hành Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

+ Quyết định thành lập, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh

- Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ và Kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025

+ Tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế tạo, công nghiệp công nghệ cao và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Tỉnh.

          + Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của Tỉnh như: Lọc hóa dầu, luyện kim-cơ khí chế tạo, may mặc, chế biến nông sản... qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, thúc đẩy hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo chuỗi giá trị.

b) Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ và chuẩn bị sẵn các điều kiện về hạ tầng để triển khai thuận lợi các dự án đầu tư có quy mô, sức lan tỏa lớn, đặc biệt là các dự án về điện khí, lọc hóa dầu, luyện thép và hạ tầng khu công nghiệp.

4. Về phát triển thương mại

- Xây dựng cơ chế, chính sách: Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh  ban hành Nghị quyết về quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí thực hiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương và Nghị quyết về hỗ trợ chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển xăng dầu từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

- Thương mại nội địa:

+ Nghiên cứu, tham mưu xây dựng và triển khai hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

+Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của UBND tỉnh: Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 19/7/2021 về thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số159/KH-UBND ngày 15/11/2021 về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

+ Tăng cường thực hiện các sáng kiến, giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ.

+ Tiếp tục triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó tập trung vào xây dựng và nhân rộng mô hình Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh

+ Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ; nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn; rà soát, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra.

- Hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu:

+ Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia..., một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể.

+ Tổ chức khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP để  hướng đến mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

- Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa:

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

- Xúc tiến thương mại:

+ Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến, giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa.

+ Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Song song với các nhiệm vụ giải pháp về phát triển công nghiệp, thương mại như đã nêu, ngành Công Thương còn tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về   đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư phát triển hệ thống logistics và dịch vụ, tạo thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh./.

TRẦN ĐĂNG QUÝ