Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

NGÀNH CÔNG THƯƠNG QUẢNG NGÃI, NHÌN LẠI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

12/05/2021 14:42    428

Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế (được thành lập theo Tuyên cáo ngày 28 tháng 8 năm 1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) thành Bộ Công Thương. Năm 2007, Bộ Công Thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Bộ: Công nghiệp và Thương mại, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó, để phát huy vai trò và truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 02/10/2008 lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam"

       Đối với tỉnh Quảng Ngãi, khi mới tái lập tỉnh năm 1989, là một tỉnh nghèo, thuần nông; công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đây là thách thức đặt ra cho ngành công thương trên bước đường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng tỉnh nhà thành tỉnh công nghiệp, hiện đại.

       Nhìn lại quá trình vận động và phát triển từ khi tái lập tỉnh đến nay, sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, phát triển công nghiệp được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định là nhiệm vụ đột phá liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ: Đại hội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2010 - 2015, lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020, lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025. Cùng với đó, kinh tế hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ trong từng thời kỳ đều được đưa thành nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm.

       Với những bước đi phù hợp trên tinh thần phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh gắn với huy động nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế trên lĩnh vực ngành, từ những năm đầu của thập kỷ 90, tỉnh ta đã tập trung  xây dựng các KCN, các cụm CN, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, gắn với vận dụng sự hỗ trợ, thu hút đầu tư, xây dựng thành công Khu kinh tế Dung Quất, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh với trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu. Những ngày đầu tái lập tỉnh, Quảng Ngãi có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh quy mô nhỏ, trên 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 90% hộ cá thể và một số sản phẩm truyền thống, giá trị thấp, sản lượng nhỏ là đường, phân bón, gạch nung, sản phẩm nông cụ…; sau hơn ba thập kỷ đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi; xây dựng thành công Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP, các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong và 18 cụm công nghiệp. Các sản phẩm chế biến, thủy sản, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng,  giày da, sợi bông… sản lượng ngày càng tăng cao, tiêu thụ rộng rãi thị trường trong nước và xuất khẩu. Những sản phẩm truyền thống ngày càng được nâng cao chất lượng, giá trị gắn liền với xây dựng thương hiệu, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam chất lượng cao…

       Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng được mở rộng, phát triển, hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng với nhiều sản phẩm do chính các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi sản xuất đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế như Sữa đậu nành Vina Soy, các sản phẩm lọc hóa dầu của của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, sản phẩm thép của Công ty thép Hòa Phát và nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp chế xuất trong các khu công nghiệp xuất khẩu ra thị trường thế giới. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được tăng cường, mở rộng cấp quốc tế, hình thành và phát triển hoạt động thương mại điện tử. Hệ thống các kênh phân phối ngày càng được đa dạng, hiện đại, dưới nhiều hình thức như chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại phát triển rộng khắp theo hướng văn minh, hiện đại, mở rộng tới nhiều địa bàn, kể cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo gắn liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Chất lượng hàng hóa ngày càng đảm bảo, giá cả được niêm yết, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tập trung hơn, tạo sự thuận lợi, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh và tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu với thị trường hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước trong ASEAN…

       Những số liệu so sánh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 – 14/5/2021) cho phép chúng ta tự hào về sự nỗ lực của toàn ngành công thương Quảng Ngãi và là động lực, niềm tin phấn đấu vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà trong những năm đến, đó là giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 1989 đạt 601 tỷ đồng, năm 2020 đạt 132.118 tỷ đồng, tăng gấp 220 lần và theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp lọc, hóa dầu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 114 tỷ đồng lên 53.583 tỷ đồng, tăng gấp 470 lần, xuất khẩu 3,92 triệu USD lên 1.409 triệu USD, tăng gấp 359 lần.  

       Theo đó, đảm bảo chuyển dịch đúng hướng cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ, từ 44,32% năm 1990 (trong đó, công nghiệp – xây dựng 16,52%, dịch vụ 27,8%) nay chiếm tỷ trọng 81,06% (trong đó, công nghiệp – xây dựng 52,39%, dịch vụ 28,67%); góp phần quan trọng trong tổng sản phẩm GRDP của tỉnh tăng bình quân 10,49% hàng năm và năm 2020 tăng gấp 20,3 lần so với năm 1989.

       Trên lĩnh vực điện năng, cuối năm 1989, công suất khả dụng của toàn tỉnh lúc bấy giờ khoảng 12 MW và điện năng là 25 triệu kWh, các huyện miền núi của tỉnh trong tình trạng “trắng điện” thì sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, 100% số xã đã có điện, đã đầu tư hoàn thành, vận hành một số dự án thủy điện, dự án điện mặt trời cùng với các dự án cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo, chất lượng điện năng được cải thiện, công tác quản lý điện có nhiều chuyển biến tích cực, lưới điện trong tỉnh được đầu tư, xây dựng, phát triển, hoàn thiện, công suất bình quân trên 300MW, đáp ứng nhu cầu điện trong tỉnh, số hộ sử dụng điện đạt 99,65%.

       Đồng thời, những kết quả của ngành về hạ tầng thương mại và điện góp phần thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với kết quả giai đoạn 2016 – 2020 có 144/148 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, đạt 97,3% kế hoạch; 97/98 xã đạt tiêu chí số 7 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đạt 98,98% kế hoạch.

       Điều tự hào của ngành đã được ghi nhận với Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì được Chủ tịch Nước khen tặng, Cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh mà Sở Công Thương đại diện toàn ngành đã đón nhận trong những năm qua và trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành.

       Cùng với thành tích chung, nhiều doanh nghiệp đạt danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu, nhiều mặt hàng công nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành đạt được nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, khen thưởng của UBND tỉnh, Bộ Công Thương và các ngành, các cấp ghi nhận, đã và đang tích cực đóng góp công sức, trí tuệ cho quá trình xây dựng và phát triển của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và để khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự quan tâm của Bộ Công Thương, ngành Công Thương Quảng Ngãi luôn cố gắng giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh nhà; góp phần vào thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi từ sau khi tái lập tỉnh.

       Với trọng trách của ngành được giao nhiệm vụ đột phá “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp” và “Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ”, với tinh thần “coi doanh nghiệp là trung tâm và lực lượng phát triển chủ yếu” và quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới; ngành Công Thương Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tạo nên khối thống nhất trong ý chí và hành động, thực hiện hoàn thành trọng trách được giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đạt mục tiêu chung Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đề ra: “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước”.

Sở Công Thương Quảng Ngãi