Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Những kết quả nổi bật ngành Công Thương Quảng Ngãi năm 2021

11/01/2022 11:14    208

Năm 2021, rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp và sự nỗ lực chung của toàn ngành Công Thương thực hiện các giải pháp vừa phòng chống dịch Covid vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi (GRDP năm 2021 tăng 6,05%).

Để thực hiện “mục tiêu kép” và thực hiện kế hoạch giai đoạn 5 năm (2021 – 2025), việc tham mưu về chủ trương, định hướng gắn với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ngành đóng vai trò chủ đạo trong năm 2021. Theo đó,  Sở Công Thương đã tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, trình Tỉnh ủy thống nhất thông qua Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực) để đẩy mạnh phát triển công nghiệp một cách thực chất và bền vững. Nghị quyết được xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX về đột phá “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX cho giai đoạn phát triển mới; mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Nghị quyết có quan điểm, định hướng phát triển công nghiệp bền vững, hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu làm hướng chủ đạo và tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp dựa chủ yếu vào ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, khai thác hiệu quả các cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật về Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp quản lý CCN; Quy định phân cấp cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công thương trên địa bàn tỉnh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đề xuất Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ phân cấp, phân quyền giai đoạn 2021-2026 đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý chợ, điện và cụm công nghiệp theo hướng tập trung đầu mối và phân cấp địa phương. Trình dự thảo Nghị quyết của HĐND phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn đến năm 2025. Tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 02 đề án, 14 kế hoạch, chương trình thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại và phê duyệt Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp bảo vệ đập, hồ chứa nước và vùng hạ du các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Phối hợp xây dựng các quy hoạch ngành công nghiệp, thương mại để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phối hợp xây dựng các phương án phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về hệ thống khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; hạ tầng điện lực và năng lượng; hệ thống thương mại.

Sự nỗ lực của doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh và của toàn ngành trong tham mưu, triển khai thực hiện chủ trương, cơ chế quản lý, điều hành, hỗ trợ, phục vụ trong năm 2021, đã giúp cho ngành công thương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện 04/05 chỉ tiêu phát triển kinh tế ngành đạt và vượt kế hoạch.

Theo đó, sản xuất công nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,55%  so với năm 2020 và vượt 7,05% kế hoạch năm (KH 2021: 107,5%); giá trị tăng thêm công nghiệp (VACN) ước đạt 17.894,36 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020. Ngành công nghiệp đạt mức tăng cao, chủ yếu nhờ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đây là ngành có quy mô lớn và giá trị gia tăng lớn, trong đó nổi bật là sản phẩm thép các loại đạt 5,439 triệu tấn, tăng 75% và vượt 31% kế hoạch năm; tiếp đến là sản phẩm lọc hóa dầu, đạt 6,521 triệu tấn, tăng 10,08% so với năm 2020. Ngoài ra, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước cũng có mức tăng cao, chủ yếu nhờ sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 1.460 triệu kWh, tăng 28,2% và vượt 46% kế hoạch năm.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.780 triệu USD tăng 26,3% và vượt 27% kế hoạch năm, trong đó các mặt hàng nổi trội là: Thép đạt 577 triệu USD, vượt 28%; may mặc đạt 79 triệu USD, vượt 32%; sơ, sợi dệt, vải các loại đạt 173 triệu USD, vượt 38%; giày, túi xách da các loại đạt 154 triệu USD, vượt 28%; dầu FO đạt 80,5 triệu USD, vượt 24%; tinh bột mỳ đạt 132,8 triệu USD, vượt 10,7% và thủy sản đạt 24 triệu USD, vượt 34%. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi cũng đã vươn tới hầu hết các thị trường lớn trên thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU,... và dần có chỗ đứng vững chắc, nhờ không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 2.658 triệu USD, vượt 52% kế hoạch năm, tăng 58,7% so với năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng cao là: Sắt thép, quặng sắt ước đạt 1.350 triệu USD, vượt 108%; dầu thô ước đạt 761 triệu USD, vượt 13,7%; vải, nguyên phụ liệu may mặc và da giày ước đạt 260 triệu USD, vượt 92,7%; bông, sợi các loại đạt 135 triệu USD, vượt 23%.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, năm 2021, Sở Công Thương đã triển khai cơ bản hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Ngãi; đã nghiệm thu đóng điện đưa vào sử dụng tại 12 xã thuộc huyện Sơn Hà và Ba Tơ, 06 xã còn lại dự kiến nghiệm thu đóng điện trong tháng 01/2022. Nhờ có mạng lưới điện quốc gia nên các vùng nông thôn trong tỉnh đã khởi sắc trên nhiều mặt và đi vào khai thác chiều sâu nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, đã có 100% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có lưới điện quốc gia, 100% số xã, phường, thị trấn có điện. Tỷ lệ hộ sử dụng điện ước đạt 99,72%, tăng 0,52 điểm % kế hoạch năm 2020.

TRẦN ĐĂNG QUÝ