Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi: Lấy công nghiệp làm bước đột phá trong phát triển kinh tế

25/05/2021 15:15    309

Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp chế biến; đặc biệt là sự thành công của ngành công nghiệp hóa dầu tại Khu kinh tế Dung Quất, sản xuất công nghiệp đã trở thành lĩnh vực mũi nhọn, trọng tâm phát triển của tỉnh Quảng Ngãi.

Tái lập tỉnh năm 1989, trong điều kiện xuất phát điểm thấp, kinh tế thuần nông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp; tăng tỷ lệ công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2010 - 2015, lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020, lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Quảng Ngãi xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi, các quy hoạch về phát triển công nghiệp, khu – cụm công nghiệp qua các thời kỳ, cùng với xác định những tiềm năng lợi thế sẵn có và đề ra các bước đi phù hợp, tỉnh Quảng Ngãi tập trung kêu gọi thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh gắn với huy động nguồn lực đầu tư để thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi

 

Xác định muốn phát triển kinh tế phải thu hút được các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp. Song song với đó, tỉnh liên tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghiệp, trong đó, chú trọng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Vị trí đặt các khu, cụm công nghiệp phù hợp với ngành nghề ưu tiên chú trọng thu hút đầu tư, thông thương thuận lợi.

Sự thành công của Khu Kinh tế Dung Quất cũng như Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi là kết quả minh chứng rõ nhất những hiệu quả trong phát triển công nghiệp của tỉnh.

Sau 7 năm hình thành và phát triển, đến nay VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 30 doanh nghiệp FDI đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 900 triệu USD. 17/30 dự án đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho hơn 19.000 lao động.

Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, lũy kế đến tháng 01/2021, tại KKT Dung Quất và các KCN tại Quảng Ngãi có 353 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 296.715 tỷ đồng (tương đương 14.497 tỷ USD); trong đó có 54 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,88 tỷ USD và 299 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 254.638 tỷ đồng (tương đương 12,612 tỷ USD).

Trong KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 169 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2020, giá trị sản lượng công nghiệp dịch vụ ước đạt 120.000 tỷ đồng, trong đó, riêng Nhà máy lọc dầu Dung Quất ước đạt 60.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 10.500 tỷ đồng (trong đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất ước đạt 6.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD; giải quyết việc làm mới cho 5.050 người.

Nhiều nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp có quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi;… đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Quảng Ngãi.

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản phẩm lọc hóa dầu, gang thép, thủy sản, may mặc, dăm gỗ,… dần khẳng định chỗ đứng vững chắc cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kết quả phát triển công nghiệp sau hơn 30 năm tái lập tỉnh khẳng định những bước đi của tỉnh Quảng Ngãi lấy phát triển công nghiệp là ngành mũi nhọn tạo bước đột phá trong phát triển kinh là là hướng đi đúng đắn. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1989) đạt 601 tỷ đồng, năm 2020 đạt 132.118 tỷ đồng, tăng gấp 220 lần và theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp lọc, hóa dầu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 114 tỷ đồng lên 53.583 tỷ đồng, tăng gấp 470 lần, xuất khẩu 3,92 triệu USD lên 1.409 triệu USD, tăng gấp 359 lần.

Ông Võ Văn Rân- Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, so với yêu cầu phát triển, ngành Công Thương Quảng Ngãi vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cùng với đó, ngành Công Thương cũng đứng trước nhiều khó khăn do dịch Covid – 19 cũng như thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Tuy nhiên, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp và phát triển đa dạng các ngành dịch vụ.

“Để thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch Covid – 19 vừa phát triển kinh tế”, Sở Công Thương trong nhiệm vụ và quyền hạn của mình sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn với mắc, coi doanh nghiệp là trọng tâm phục vụ để đưa công nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển và trở thành đầu tàu kinh tế của toàn tỉnh”, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi chia sẻ

Theo Thành Long - Báo Công Thương