Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Sơ kết 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (Khóa XX) về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp

11/09/2023 16:13    147

Qua sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, từ năm 2021 đến nay, hầu hết các chỉ tiêu phát triển công nghiệp đều tăng, nhiều khả năng đến năm 2025 đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân khoảng 8%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng, một số doanh nghiệp lớn khác ngoài dầu như Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi,…hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương cũng như đóng góp không nhỏ vào phát triển công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói chung (Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 67.000 lao động).

Một số đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển công nghiệp, hỗ trợ khoa học công nghệ, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng xã hội thiết yếu,...được triển khai đồng bộ, làm cơ sở và đủ các điều kiện về cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, triển khai dự án. Hiện có một số nhiệm vụ đang triển khai và chờ hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương như xúc tiến hình thành cụm liên kết sản xuất các sản phẩm từ dầu mỏ với hạt nhân là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và cụm liên kết sản xuất các sản phẩm từ thép với hạt nhân là Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất; Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng hóa quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất, Đề án thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp, ...

Tình hình thu hút đầu tư năm 2021 đến tháng 6/2023, Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN thu hút 16 dự án đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng cho 63 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD , vượt 106% so với nghị quyết đề ra (Nghị quyết giao 5-6 tỷ USD), trong đó có 09 dự án nước ngoài; tại các cụm công nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút 02 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 15 dự án thứ cấp, tổng vốn đăng ký đạt 702 tỷ đồng, đạt 87,75% chỉ tiêu nghị quyết giao.

Ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 168/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2045, với diện tích khoảng 45.332 ha, gồm 05 phân khu chức năng chính. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 với khả năng hoàn thành các chỉ tiêu vượt mức so với kế hoạch đề ra, mục tiêu đến năm 2030, là tỉnh phát triển công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Về chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp và thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp:  Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 36.000 lao động được đào tạo nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 61,43% năm 2022. Tỷ lệ học sinh sau đào tạo có việc làm đạt trên 80%, dạy nghề theo địa chỉ doanh nghiệp đạt 100%. Đặc biệt quy mô tuyển sinh các ngành nghề cơ khí, chế tạo, dệt may, da giày, điện - điện tử, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí… tăng so với những năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động chưa qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật còn khá lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực. Hiệu quả của công tác tư vấn hướng nghiệp, học nghề trong học sinh chưa cao.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho phát triển công nghiệp...: Từ năm 2021 đến nay, có 145 dự án đầu tư được thẩm định, phê duyệt và 18 doanh nghiệp được tư vấn hướng dẫn...có yếu tố công nghệ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với hơn 60 doanh nghiệp, nhà quản lý tham gia, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới, kết nối với một số doanh nghiệp có nhu cầu chuyển giao đổi mới công nghệ. Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các sở ban ngành đã tăng cường phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp theo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được phê duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh; Đề án “Nhận diện khó khăn, thách thức và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Ngãi hội nhập quốc tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 233/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 UBND tỉnh Quảng Ngãi,...

Về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vật lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp: Thẩm định và cấp Giấy phép cho 165 hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản; 74 hồ sơ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; 38 hồ sơ cấp phép tài nguyên nước; 09 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,...Đồng thời, phối hợp, triển khai giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án lớn, trọng điểm như: Trung tâm Khí điện Miền Trung - Trung tâm Điện lực Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2,...và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án huy động các nguồn lực xây dựng các khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong KKT Dung Quất đến năm 2030.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu: Các ngành, lĩnh vực thực hiện lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển ngành theo hướng bền vững, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiếm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải một cách hiệu quả; ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển và đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ, thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến trong từng giai đoạn phát triển.

Từ năm 2021 đến nay, để phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ, hiện đại, với nguồn ngân sách nhà nước tỉnh bố trí  207,266 tỷ đồng, trong đó, đầu tư, hoàn thiện hạ tầng tại Khu Kinh tế là 186,9 tỷ đồng; thực hiện quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố; đảm bảo hạ tầng đáp ứng cung cấp thiết bị truyền tải băng rộng, thiết bị truy nhập quá trình xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử.

Đối với đầu tư hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động tại Khu kinh tế
Dung Quất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp:
 Hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có tổng số lao động tại các doanh nghiệp là: 67.045 lao động và có 06 khu nhà ở do các doanh nghiệp đầu tư đang hoạt động phục vụ cho người lao động trên địa bàn với tổng số lượng 1.198 căn đáp ứng cho 4.482 người; hiện đang tiếp tục rà soát để ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư triển khai đầu tư nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá và kết quả 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, nhiệm vụ phát triển công nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đa số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển công nghiệp đều tăng trưởng khá, đa số các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng. Các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi sau đại dịch Covid 19 và phát triển khả quan, một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty CP Đường Quảng Ngãi và các dự án thứ cấp trong KCN VSIP Quảng Ngãi hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương cũng như đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như: Chỉ tiêu năng suất lao động công nghiệp tăng chậm do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và sự xung đột, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, đình trệ sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động do thiếu đơn hàng và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, theo đó năng suất lao động giảm; phát triển công nghiệp còn thiên về chiều rộng, thiếu bền vững, sản phẩm chủ yếu là gia công và sơ chế; sản phẩm công nghiệp chế tạo, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao còn hạn chế; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu sự liên kết với nhau, theo đó năng suất lao động và năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp cũng thấp; một số cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ, ngành nên khó triển khai thực hiện; việc phát triển doanh nghiệp công nghiệp số; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp; chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

Trong thời gian đến, phát huy kết quả đạt được gắn với tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế, ngành công thương cùng với các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch  theo Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 07/7/2021 của UBND về phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy đã đề ra./.

Thùy Nhân