Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

17/03/2023 16:20    67

Sáng ngày 16/3, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch hội đồng, chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch tỉnh.

Tham dự Phiên họp có các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học là uỷ viên phản biện, đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Quảng Ngãi có Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, đại lãnh đạo các sở, ngành và địa phương. Sở Công Thương Quảng Ngãi có Giám đốc Sở Võ Văn Rân cùng đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở tham dự.

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi, xác định mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030 là một tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.

Quy hoạch tỉnh xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá, trong đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai được xác định là một trong 04 đột phá của tỉnh.

          Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp – xây dựng: Quảng Ngãi đặt ra chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025: tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng là 7,0 - 8,0%/năm, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 8,0 - 9,0%/năm; giai đoạn 2026 – 2030: tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng là 8,0 - 9,0%/năm, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 8,5 - 9,5%/năm

Các ngành công nghiệp nền tảng (lọc dầu, luyện kim thép v.v.) sẽ là động lực chính dẫn dắt sự phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030. Hướng tới 2050, đa dạng hoá cơ cấu công nghiệp, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp phát thải lớn; phát triển công nghiệp theo chiều sâu và mở rộng theo chuỗi giá trị dựa trên cơ sở các điều kiện và lợi thế của các ngành công nghiệp ưu tiên đang có; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hoá, tận dụng hiệu quả xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao và thân thiện hơn với môi trường

Tại Phiên họp, các uỷ viên phản biện đề nghị tỉnh cần đánh giá vai trò, vị thế của tỉnh trong mối liên kết vùng, quốc gia; cần có định hướng, giải pháp cụ thể để khai thác mối liên kết vùng với 2 địa phương lân cận là Quảng Nam, Bình Định và với các tỉnh phía Tây. Đề nghị tỉnh cân nhắc mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng dựa vào hai dự án là nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và dự án Thép Hòa Phát; làm rõ sự phát triển của KKT Dung Quất gắn với Cảng biển nước sâu; định hướng, giải pháp cụ thể phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ lọc hoá dầu, thép, công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển ngành cơ khí; cần có luận cứ, luận chứng rõ ràng trong xác định các khâu đột phá, các ngành kinh tế quan trọng, xác định rõ khu vực ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển …

Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông báo kết quả của Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nghiêm túc quy trình lập quy hoạch theo quy định. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan lập Quy hoạch tỉnh nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của các uỷ viên phản biện, bộ ngành trung ương, trong đó tập trung làm rõ các nội dung về quy trình lập quy hoạch, việc triển khai đồng thời lập quy hoạch và lập ĐMC; làm rõ những tồn tại, hạn chế lớn nhất hiện nay của tỉnh và các điểm nghẽn, vấn đề cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị, khả năng liên kết vùng. Phân tích những lợi thế, cơ hội mới để có giải pháp phát triển trong thời gian tới. Bổ sung các luận cứ, luận chứng để làm rõ tính khả thi của phương án lựa chọn, trong đó xác định rõ động lực, đột phá, đóng góp của từng ngành, từng lĩnh vực. Về cơ cấu phát triển các ngành kinh tế cần đưa ra định hướng để phát triển bền vững và cân đối các ngành kinh tế, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Đối với phương án cấp điện cần đảm bảo phù hợp với Quy hoạch điện VIII…

Phương Tâm