Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tình hình giải quyết thủ tục hành chính của Sở Công Thương Quảng Ngãi năm 2020

22/01/2021 07:09    359

Năm 2020 với tiêu chí “Lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo nâng cao chất lượng phục vụ”, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp thể hiện qua các Kế hoạch Cải cách hành chính (CCHC) năm 2020; Kế hoạch tuyên truyền CCHC năm 2020; Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2020; Kế hoạch kiểm tra CCHC nội bộ năm 2020 nhằm tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất nhiệm vụ giải quyết TTHC, đảm bảo “công khai- minh bạch – chất lượng – đúng hẹn”.

Công bố, công khai TTHC, danh mục TTHC được thực hiện thường xuyên, đúng quy định. Quá trình thực hiện công tác rà soát được quan tâm, qua đó đã kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hiện nay, số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương là 133 TTHC (giảm 06 TTHC so với trước). Trong đó, có 55 TTHC (41,4%/tổng số TTHC) được rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định pháp luật.  Việc duy trì thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng đạt kết quả nhất định khi kịp thời áp dụng việc giảm mức phí thẩm định cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch tại Sở trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ trong đầu năm 2020.          

Theo thống kê trong năm 2020, tổng số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết của Sở Công Thương tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công là 12.190 (Số liệu tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/12/2020); Có 99.95% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn; 100% TTHC được thực hiện dịch vụ công mức độ 2 và 13 TTHC được cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4; trong đó có 04 TTHC thuộc lĩnh vực Xúc tiến thương mại được cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Theo chỉ đạo đảm bảo cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến tại Công văn số 4751/UBND-HCC ngày 02/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Công Thương đăng ký và thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia 42 TTHC. Kết quả từ sự nỗ lực trong cải cách thể hiện ở mức độ đánh giá hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh của Sở Công Thương đạt 100%, trong đó, mức độ đánh giá rất hài lòng đạt 98%.

Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là một năm nhiều khó khăn và thách thức vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, gây cản trở đến hoạt động thương mại, dịch vụ và việc thực hiện TTHC trên lĩnh vực này. Với tiêu chí xác định ngay từ đầu năm lấy sự hài lòng, chất lượng làm thước đo và quyết tâm hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công: Tăng cường việc tuyên truyền đến doanh nghiệp, nhân dân về giải quyết TTHC trực tuyến, đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nộp trực tuyến, nộp và nhận kết quả qua đường bưu điện để góp phần phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, cũng như đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 trong việc thực hiện các giao dịch hành chính. Nhờ đó hoạt động cấp phép thuộc các lĩnh vực do Sở quản lý, nhất là hoạt động xúc tiến thương mại vẫn được duy trì, số lượng hồ sơ trực tuyến thuộc lĩnh vực XTTM trong năm 2020 tăng mạnh, gấp 02 lần so với năm 2019.

Tuy nhiên, việc giải quyết TTHC hiện nay cũng còn những trở ngại do nhiều nguyên nhân như: Việc yêu cầu chữ ký số vào mẫu đơn, tờ khai, giấy tờ, tài liệu điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 vướng mắc vì rất nhiều tổ chức, đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ nên không có chữ ký số hoặc không cập nhật thông tin về chữ ký số nên việc tiếp nhận những hồ sơ, TTHC có thành phần tương đối phức tạp trên môi trường điện tử còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ BCCI theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) còn rất thấp, chủ yếu thực hiện qua khâu chuyển trả, khâu tiếp nhận, thậm chí không sử dụng dịch vụ. Hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như: Tổ chức cung cấp BCCI chậm triển khai thí điểm việc tiếp nhận TTHC và có phương thức phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền hưởng ứng thực hiện dịch vụ; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ BCCI trong thực hiện nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế với tâm lý e ngại, sợ mất giấy tờ khi sử dụng dịch vụ nên vẫn duy trì thói quen đến trực tiếp giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính…

Với kết quả đáng khích lệ của năm 2020, trong năm 2021, Sở sẽ tập trung tham mưu, đề xuất và khắc phục khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tăng về số lượng, tốt về chất lượng gắn với mục tiêu “xây dựng nền hành chính phục vụ”./.

Huỳnh Diễm