Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tình hình hoạt động thương mại tỉnh Quảng Ngãi tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023

07/06/2023 10:03    282

Tháng 5 năm 2023, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tình hình lưu thông hàng hóa các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh tiếp tục tích cực, giá cả bình ổn, lượng hàng hóa phong phú, đa dạng đảm bảo cung ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 1,2%.

Theo đó, thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022 nhằm vào các ngày lễ lớn (ngày Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5); Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp như: Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản, công nghiệp nông thôn, OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền của tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Lâm Đồng tại Quảng Ngãi vào ngày 24/5/2023; tham gia Hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” và tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh từ ngày 11-14/5/2023 tại Đà Nẵng, Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt vươn xa”, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu từ ngày 25-28/5/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh; Diễn đàn xuất khẩu với chủ đề “Đẩy mạnh liên kết vùng hướng đến xuất khẩu xanh”.

Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phát động Tuần lễ Du lịch biển đảo tỉnh Quảng Ngãi và phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao với nhiều hoạt động kích cầu du lịch nên nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 5.916 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,2% so với tháng 5/2022. Luỹ kế 5 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 29.529 tỷ đồng, bằng 41,7% kế hoạch năm 2023 (KH: 70.200 tỷ đồng) và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 22.976 tỷ đồng, tăng 9,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 4.514 tỷ đồng, tăng 21,9%; du lịch ước đạt 11,2 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.936 tỷ đồng, tăng 16,3%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 5/2022 và tăng 0,67% so với tháng 12/2022. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 218 triệu USD, tăng  2,1% so với tháng 4/2023 và tăng 11,7% so với tháng 5/2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm uớc đạt 937 triệu USD, tăng 1% so với  cùng kỳ năm trước và đạt 44,6% kế hoạch năm (KH: 2.100 triệu USD).

Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 370,5 triệu USD, tăng 14,5% so với tháng 4/2023 và tăng 68,9% so với tháng 5/2022; lũy kế 5 tháng đầu năm  ước đạt 1.589 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 47,8% kế hoạch năm (KH: 3.320 triệu USD).

Trong tháng 5/2023 kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu đều tăng so với tháng trước; lũy kế 05 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng chậm. Nguyên nhân, do chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới phục hồi chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Bên cạnh đó giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, phân bón, sắt thép cũng giảm, đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa; Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng.

TƯỜNG VI