Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2023

09/03/2023 14:40    56

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, doanh nghiệp hoạt động ổn định, tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm, đơn đặt hàng tăng nên đa số các ngành hàng đều có sản lượng sản xuất tăng khá so với tháng trước. Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp chủ lực là thép, chiếm tỷ trọng lớn nhưng giảm mạnh; một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng như: sợi các loại; giày da, dăm gỗ nguyên liệu giấy... đã tác động làm chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02 giảm 6,04% so với tháng trước và 02 tháng đầu năm giảm 8,42% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 ước giảm 6,04% so với tháng 01/2023; trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 23,96%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,31%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 42,68%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%.

Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 02 tháng đầu năm ước giảm 8,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 6,73%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,49%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 10,32%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 36,96%.

 

Một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm 2022: Sản phẩm lọc dầu ước đạt 1,139 triệu tấn, tăng 7,2%; bia các loại ước đạt 36 triệu lít, tăng 20,6%; phân hóa học 5,1 nghìn tấn, tăng 10%;  sản phẩm may mặc ước đạt 2,4 triệu cái, tăng 35,7%; tinh bột mỳ ước đạt 13,4 nghìn tấn, tăng 7,5%.  Nguyên nhân chủ yếu: Sản phẩm lọc dầu tăng do Nhà máy vận hành tối đa công suất (102,4% công suất) để bù đắp nguồn cung xăng dầu trong nước đang khó khăn; bia tăng do nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh; phân hóa học tăng do nhu cầu bón dặm cây trồng cho Vụ Đông Xuân; sản phẩm may mặc tăng do các doanh nghiệp ổn định sản xuất, tiếp cận được thị trường đầu ra cho sản phẩm, đơn đặt hàng tăng, đồng thời đang dần tháo gỡ được khó khăn về nguyên liệu; tinh bột mỳ tăng cường sản xuất phục vụ trong nước và xuất khẩu, bên cạnh đó nguồn nguyên liệu tăng mạnh về năng suất và sản lượng nhờ áp dụng biện pháp thâm canh bền vững và thực hiện chủ trương chuyển cây mì từ chỗ là cây lương thực sang cây nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2022: Sắt thép xây dựng ước đạt 0,457 triệu tấn, giảm 49,7%; điện sản xuất ước đạt 121 triệu kWh, giảm 9%; sữa các loại trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,1 triệu lít, giảm 24%; giày da ước đạt 1,7 triệu đôi, giảm 28,7%; dăm gỗ nguyên liệu giấy đạt 79 nghìn tấn, giảm 33%; sợi ước đạt 6,2 nghìn tấn, giảm 24%. Nguyên nhân chủ yếu: Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất giảm công suất do hàng tồn kho lớn, dừng hoạt động 2 lò cao từ tháng 11/2022 đến nay; điện sản xuất giảm: Do nhà máy thủy điện Đakđrinh dừng sản xuất 04 ngày để bảo dưỡng, nhưng chủ yếu do khâu thống kê chưa kịp cập nhật, đưa vào điều tra chọn mẫu bổ sung đối với một số nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động, theo đó số liệu chưa sát với thực tế, hiện các cơ quan, đơn vị có liên quan đang phối hợp để tính toán, điều chỉnh;  sợi, giày da giảm do tình hình chiến tranh tại Ukraina gây ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm này tại các nước Đông Âu; dăm gỗ giảm do nguồn nguyên liệu cây keo lai rừng trồng bị hư hại vì gió bão năm 2020 dẫn đến đứt đoạn chu kỳ khai thác gỗ keo, làm thiếu hụt gỗ keo nguyên liệu, bên cạnh nhiều nhà máy dăm gỗ cũng giảm công suất dăm chuyển sang chế biến gỗ sâu hơn như: bàn, ghế, ván ép thanh... để xuất khẩu.

TƯỜNG VI