Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tỉnh Quảng Ngãi 9 tháng đầu năm 2022

22/09/2022 13:55    106

Trong 9 tháng năm 2022 tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng; các doanh nghiệp sản xuất đã khôi phục hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đã có phương án, kế hoạch phát triển, liên kết phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, các chỉ tiêu ngành công nghiệp, thương mại trong 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ, cụ thể:

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 8,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 18,18%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,01%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 19,85%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nuớc thải tăng 10,12%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm (so sới cùng kỳ năm trước)Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm (so sới cùng kỳ năm trước)

Một số sản phẩm tăng mạnh so với cùng kỳ: Sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 5,18 triệu tấn, tăng 6%; sắt, thép ước đạt 4 triệu tấn, tăng 0,9%; nước khoáng ước đạt 80,4 triệu lít, tăng 13,2%; sản phẩm may mặc ước đạt 10,3 triệu cái, tăng 15,8%; giày da các loại ước đạt 11,7 triệu đôi, tăng 18,1%; bia các loại ước đạt 178,8 triệu lít, tăng 41,7%; bánh kẹo các loại ước đạt 8,4 nghìn tấn, tăng 10%; tinh bột mì trên địa bàn tỉnh ước đạt 29,4 nghìn tấn, tăng 10%; thủy sản chế biến ước đạt 8,5 nghìn tấn, tăng 6,8%; sợi ước đạt 36,4 ngàn tấn, tăng 2,2%; điện sản xuất ước đạt 1.286 triệu kWh, tăng 49%. Tuy nhiên, có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Dăm gỗ nguyên liệu giấy ước đạt 598,2 nghìn tấn, giảm 33,7%; điện thương phẩm ước đạt 1.663 triệu kWh, giảm 2,7%; cuộn cảm ước đạt 92 triệu cái, giảm 5,6%; sữa các loại trên địa bàn tỉnh ước đạt 53,9 triệu, giảm 10,4%. Nguyên nhân một số sản phẩm giảm: (1) Dăm gỗ giảm mạnh do cây keo bị hư hại vì bão Nangka năm 2020, dẫn đến đứt đoạn chu kỳ khai thác gỗ keo, làm thiếu hụt gỗ keo nguyên liệu. Các nhà máy trong tỉnh tăng giá thu mua nguyên liệu gỗ keo cao so với cả nước dẫn đến giá dăm gỗ tăng, không cạnh tranh được với giá xuất khẩu dăm của các nhà máy tại khu vực Miền Nam và Miền Bắc. Do vậy, đa số nhà máy cắt giảm công suất để bảo toàn cân đối hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ giảm công suất dăm để tập trung sản xuất chế biến gỗ theo hướng nâng cao giá trị gỗ khai thác với các sn phẩm như bàn, ghế, ván ghép thanh … để xuất khẩu; (2) Điện thương phẩm giảm do nhu cầu sử dụng; (3) Sữa các loại trên địa bàn tỉnh giảm do sản xuất theo thị trường tiêu thụ.

Các hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục khởi sắc và được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh mở rộng thêm thị trường xuất khẩu và một số sản phẩm mới được xuất khẩu trong năm 2022, tác động tích cực đến chỉ tiêu về thương mại nội địa, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm ước đạt 48.233 tỷ đồng, bằng 87,7% kế hoạch năm 2022 (KH: 55.000 tỷ đồng) và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.920 tỷ đồng, tăng 18,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 7.166 tỷ đồng, tăng 45,7%; du lịch ước đạt 8.974 tỷ đồng, tăng 151% và dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 3.137 tỷ đồng, tăng 25,7%.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.738 triệu USD, tăng 30,7% so với  cùng kỳ năm trước và bằng 93,4% kế hoạch năm (KH: 1.860 triệu USD). Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ: Thủy sản chế biến ước đạt 22,9 triệu USD, tăng 36,7%; tinh bột mỳ ước đạt 100,7 triệu USD, tăng 4,4%; đồ gỗ ước đạt 4,8 triệu USD, tăng 15,2%; dăm gỗ nguyên liệu giấy ước đạt 134,5 triệu USD, tăng 1,1%; may mặc ước đạt 86 triệu USD, tăng 50,4%; hàng thực phẩm chế biến ước đạt 4,5 triệu USD, tăng 40%; sản phẩm cơ khí ước đạt 108,8 triệu USD, tăng 76,7%; dầu FO ước đạt 91 triệu USD, tăng 50,6%; thép ước đạt 646,5 triệu USD, tăng 50,6%; giày, túi xách da các loại ước đạt 157,4 triệu USD, tăng 36%. Nguyên nhân tăng kim ngạch xuất khẩu: Các doanh nghiệp đã tận dụng  tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, mới nhất là Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp của tỉnh tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, sản phẩm mới được xuất khẩu và một số doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.850 triệu USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt 4,4% kế hoạch năm (KH: 2.730 triệu USD). Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động ổn định nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất tăng như: kim ngạch nhập khẩu dầu thô ước đạt 1.009 triệu USD, tăng 66,2%; sắt thép, quặng sắt ước đạt 1.381 triệu USD, tăng 38%; vải và nguyên phụ liệu may mặc, da giày ước đạt 227,8 triệu USD, tăng 24,6%; bông, sợi các loại ước đạt 116,5 triệu USD, tăng 12%.

Tường Vi