Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tình hình thực hiện nhiệm vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 và kế hoạch năm 2023 thuộc lĩnh vực Công Thương

11/05/2023 13:29    70

Triển khai nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh, Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch số 298/KH-SCT ngày 22/02/2022 về triển khai Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” đối với lĩnh vực Công Thương

Theo đó, với mục tiêu triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Trung ương và của Tỉnh nhằm thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát triển; Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-UBND ngày 10/01/2023 về quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời tham mưu Danh mục các cụm công nghiệp ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để tích hợp vào Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.

Để hỗ trợ DNNVV thuộc các ngành cơ khí chế tạo, ngành công nghiệp điện tử trên địa bàn tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Sở Công Thương đang nghiên cứu xây dựng hình thành thí điểm một số cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, thực hiện lồng ghép theo nhiệm vụ triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian thực hiện năm 2023.

Kết hợp với các Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình khuyến công, Chương trình Thương mại điện tử, Sở Công Thương tổ chức các Hội nghị giao thương, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, đặc biệt là kết nối với các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai; tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đak lak,... và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đoàn công tác dự các Hội nghị: “Gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022” tại tỉnh Bình Định; giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022. Qua đó, cung cấp thông tin, hỗ trợ giới thiệu phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo và điện tử còn khó khăn, vướng mắc do phần lớn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các nội dung, đối tượng hỗ trợ, tiêu chí xác định cụm liên kết ngành, tiêu chí xác định chuỗi giá trị. Mặt khác, quá trình triển khai nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Công Thương gặp một số khó khăn, vướng mắc, đã và đang tiếp tục đề xuất, kiến nghị Bộ, ngành bổ sung, sửa đổi, như:

Trong thực hiện Đề án lựa chọn, hình thành thí điểm một số cụm liên kết ngành công nghiệp theo chuỗi giá trị, theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (NĐ 80/2021/NĐ-CP), hướng dẫn các tiêu chí xác định chuỗi giá trị và lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị để hỗ trợ được quy định tại Điều 23, 24, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành Bộ công cụ đánh giá năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức lấy ý kiến các đơn vị và địa phương để hoàn thiện. Cùng với đó, Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ  và Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp, chưa có quy định khi lựa chọn để hình thành cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị thì cấp nào có thẩm quyền công nhận cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị để làm cơ sở pháp lý lựa chọn các doanh nghiệp hỗ trợ.

Đối với việc lựa chọn doanh nghiệp trong cụm liên kết ngành theo chuỗi giá trị để hỗ trợ, Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy định "DNNVV chỉ được hỗ trợ các nội dung về tư vấn quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và Thông tư này khi sử dụng tư vấn viên thuộc mạng lưới tư vấn viên". Tuy nhiên, hiện nay Cục Công Thương địa phương chỉ mới công nhận cho 07 cá nhân được công nhận tư vấn viên thuộc lĩnh vực công nghiệp (các cá nhân này thuộc các đơn vị phía Bắc) do đó việc mời thực hiện tư vấn cũng gặp khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV năm 2023, Sở Công Thương đề xuất kế hoạch với các nội dung cơ bản là: Hỗ trợ hợp đồng tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho 01 doanh nghiệp, kinh phí thực hiện là 50 triệu đồng. Triển khai các nội dung hỗ trợ DNNVV lồng ghép theo các Chương trình khuyến công, công nghiệp hỗ trợ; Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình thương mại điện tử,… Hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường kinh phí thực hiện là 200 triệu đồng./.

Thùy Nhân