Truy cập nội dung luôn
SỞ CÔNG THƯƠNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công

09/06/2023 16:29    201

Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công (Nghị định số 45/2012/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2012, đến nay đã trải qua hơn 10 năm thực hiện. Nghị định số 45/2012/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khuyến công, góp phần quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp có bước khởi đầu tương đối thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, trong giai đoạn 2012-2022, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện 82 đề án, nhiệm vụ khuyến công, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 25.605 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia khoảng 19.495 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương khoảng 6.110 triệu đồng. Tổng vốn đối ứng tự có thu hút được từ các cơ sở công nghiệp nông thôn khoảng 912.008 triệu đồng. Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công là 175 cơ sở, trong đó số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng biển và hải đảo là 11 cơ sở.

Phát triển công nghiệp nông thôn giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Do đó, những năm qua, hoạt động khuyến công tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh với nội dung đa dạng như: hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ, triển lãm, trong đó các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn được hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu, trao đổi, mua bán, hợp tác tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, dụng cụ quản lý phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp.Hỗ trợ ứng dụng máy in kỹ thuật số trong in bao bì carton

Hỗ trợ ứng dụng máy in kỹ thuật số trong in bao bì carton

Cùng với hoạt động hỗ trợ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận cho 39 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; Cục Công Thương địa phương thuộc Bộ Công Thương công nhận 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và 07 sản phẩm được Bộ Công Thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp Quốc gia. Các sản phẩm được công nhận ở các cấp sẽ được ưu tiên lựa chọn hỗ trợ để tham gia các hội chợ triển lãm trong toàn quốc.ội đồng bình chọn SPCNNTTB tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bình chọn SPCNNTTB cấp tỉnh

Hội đồng bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bình chọn SPCNNTTB cấp tỉnh

Trải qua 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong khuyến khích các cơ sở đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển một số sản phẩm mới. Hoạt động khuyến công đã kích thích tiềm năng, tạo thêm động lực phát triển nông thôn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Nhờ vậy, những năm gần đây, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn ở Quảng Ngãi phát triển mạnh, đa dạng ngành nghề, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng cao, từng bước mở rộng thị trường, tạo sự phát triển ổn định bền vững.

Để đẩy mạnh hoạt động khuyến công trong thời gian đến, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần thực hiện các giải pháp như sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế chính sách thông qua việc rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của địa phương và phù hợp với các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khuyến công, cụ thể: tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện các hoạt động khuyến công, tạo ra bước đột phá thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của nhà nước về khuyến công đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác khuyến công đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ và các quy định khác trong hoạt động khuyến công; tăng cường đánh giá hoạt động khuyến công hàng năm, giai đoạn.

Ba là, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác khuyến công theo hướng chuyên nghiệp; củng cố và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; bố trí cán bộ làm công tác khuyến công chuyên trách cấp huyện; hỗ trợ hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên khuyến công ở tất cả các xã, phường, thị trấn; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ viên chức của các tổ chức dịch vụ khuyến công và cộng tác viên cấp xã.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công nhằm phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật và chính sách đến các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện chính sách khuyến công. Qua đó phối hợp lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.

Thủy Tiên